vi-VNen-US
Tạo tài khoản
 
Xem các văn bản cùng chuyên ngành


 

- Nội dung quy định tại chương IX này được hướng dẫn bởi Chương X Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014:

“…

Chương X

PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM THẨM ĐỊNH,

PHÊ DUYỆT TRONG LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 100. Trách nhiệm của Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư mà mình không phải là chủ đầu tư:

a) Có ý kiến bằng văn bản về kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo yêu cầu;

b) Thực hiện các công việc khác về lựa chọn nhà thầu theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.

3. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu.

Điều 101. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan khác ở địa phương

1. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.

2. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu.

3. Thực hiện các công việc khác về lựa chọn nhà thầu theo ủy quyền của cấp trên.

Điều 102. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị, người đứng đầu doanh nghiệp

1. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.

2. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu và theo ủy quyền.

Điều 103. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh

1. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

b) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.

2. Đối với dự án do mình thực hiện chức năng chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu.

Điều 104. Trách nhiệm của đơn vị thẩm định

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định các nội dung sau đây:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

b) Phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định các nội dung sau đây:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư, trừ các gói thầu quy định tại Khoản 3 Điều này;

b) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ đầu tư khi được yêu cầu, trừ các gói thầu quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua thuốc, vật tư y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền.

4. Cơ quan, tổ chức được Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; người đứng đầu doanh nghiệp giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung sau đây:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; người đứng đầu doanh nghiệp;

b) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, doanh nghiệp là chủ đầu tư khi được yêu cầu.

5. Bộ phận có chức năng về kế hoạch, tài chính cấp huyện chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

6. Bộ phận giúp việc liên quan chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng các cơ quan khác ở địa phương, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.

7. Chủ đầu tư giao cho tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình thực hiện thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân được giao thẩm định không đủ năng lực thì chủ đầu tư tiến hành lựa chọn một tổ chức tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thẩm định. Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và kết quả lựa chọn nhà thầu.

Điều 105. Thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

1. Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của bên mời thầu;

b) Dự thảo hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Bản chụp các tài liệu: Quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

d) Tài liệu khác có liên quan.

2. Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Kiểm tra các tài liệu là căn cứ để lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Kiểm tra sự phù hợp về nội dung của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu so với quy mô, mục tiêu, phạm vi công việc, thời gian thực hiện của dự án, gói thầu; so với hồ sơ thiết kế, dự toán của gói thầu, yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa (nếu có); so với biên bản trao đổi giữa bên mời thầu với các nhà thầu tham dự thầu trong giai đoạn một (đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn); so với quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan;

c) Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa tổ chức, cá nhân tham gia lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

d) Các nội dung liên quan khác.

3. Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:

a) Khái quát nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý để lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về nội dung dự thảo hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Đề xuất và kiến nghị của đơn vị thẩm định về việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; về biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

d) Các ý kiến khác (nếu có).

4. Trước khi ký báo cáo thẩm định, đơn vị thẩm định có thể tổ chức họp giữa các bên để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nếu thấy cần thiết.

Điều 106. Thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà thầu

1. Nguyên tắc chung:

a) Kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt;

b) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ chỉ tiến hành thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ phải thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước khi phê duyệt;

d) Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, không tiến hành thẩm định trong giai đoạn một, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;

đ) Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ, giai đoạn một chỉ tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và tương ứng với những nội dung được hiệu chỉnh về kỹ thuật so với giai đoạn một;

e) Không tiến hành thẩm định danh sách xếp hạng nhà thầu trước khi phê duyệt, danh sách xếp hạng nhà thầu được phê duyệt trên cơ sở đề nghị của bên mời thầu;

g) Trước khi ký báo cáo thẩm định, đơn vị thẩm định có thể tổ chức họp giữa các bên để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nếu thấy cần thiết.

2. Thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển:

a) Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:

- Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến củabên mời thầu đối với các đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;

- Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của tổ chuyên gia;

- Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan.

b) Nội dung thẩm định bao gồm:

- Kiểm tra các tài liệu là căn cứ của việc mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;

- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;

- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;

- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;

- Các nội dung liên quan khác.

c) Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:

- Khái quát nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý đối với việc mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;

- Tóm tắt quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển và đề nghị của bên mời thầu về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;

- Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;

- Đề xuất và kiến nghị của đơn vị thẩm định về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; về biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển; về biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;

- Các ý kiến khác (nếu có).

3. Thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật:

a) Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:

- Tờ trình đề nghị phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;

- Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của tổ chuyên gia;

- Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan.

b) Nội dung thẩm định bao gồm:

- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;

- Các nội dung liên quan khác.

c) Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:

- Tóm tắt quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu (từ khi đăng tải thông báo mời thầu đến khi trình thẩm định, phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật) và đề nghị của bên mời thầu về danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;

- Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong quá trình lựa chọn danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả lựa chọn danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; đề xuất biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; đề xuất biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả lựa chọn danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;

- Các ý kiến khác (nếu có).

4. Thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:

a) Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:

- Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;

- Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của tổ chuyên gia;

- Biên bản thương thảo hợp đồng;

- Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan; trường hợp đã tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì chỉ gửi biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính và bản chụp hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

b) Nội dung thẩm định bao gồm:

- Kiểm tra các tài liệu là căn cứ của việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;

- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu;

- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn một túi hồ sơ và hai giai đoạn hai túi hồ sơ; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu;

- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính;

- Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình thương thảo hợp đồng; kiểm tra sự phù hợp giữa kết quả thương thảo hợp đồng so với kết quả lựa chọn nhà thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng;

- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;

- Các nội dung liên quan khác.

c) Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:

- Khái quát về nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;

- Tóm tắt toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu từ khi lựa chọn danh sách ngắn (nếu có) đến khi trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, kèm theo các hồ sơ, tài liệu đã báo cáo theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

- Tóm tắt đề xuất, kiến nghị của bên mời thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu;

- Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình lựa chọn nhà thầu; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả lựa chọn nhà thầu;

- Các ý kiến khác (nếu có).

…”