vi-VNen-US
Tạo tài khoản

Thông tin: Điều 63

Ngày ban hành: 21/06/2017
Ngày hiệu lực: 01/01/2018
Ngày hết hiệu lực toàn bộ:
 
Ngày hết hiệu lực một phần lần 1:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 2:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 3:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 4:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 5:
 
 

Điều luật đang xem xét:

Điều 63. Xử lý tài sản công trong trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

1. Khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, việc xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như sau:

a) Tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản đang quản lý, sử dụng;

b) Xử lý đối với tài sản thừa, thiếu, tài sản không có nhu cầu sử dụng, tài sản chờ thanh lý theo chế độ quy định;

c) Xác định giá trị tài sản để tính vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển đổi;

d) Quyết định giao tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập cho doanh nghiệp sau khi chuyển đổi;

đ) Bàn giao tài sản cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập;

e) Sau khi nhận bàn giao, doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập phải hoàn thành hồ sơ về tài sản, đất đai và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chuyển quyền quản lý, sử dụng tài sản từ đơn vị sự nghiệp công lập sang doanh nghiệp; thực hiện thủ tục hành chính và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục lục
 
Điều luật
 

Điều luật hướng dẫn, quy định chi tiết(1)

 
Điều 54. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản công khi chuyển mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp

1. Trước khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm:

a) Kiểm kê, phân loại tài sản đơn vị đang quản lý, sử dụng tại thời điểm có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị (bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế,...);

b) Lập bảng kê xác định chủng loại, số lượng, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có tại đơn vị; xác định tài sản thừa, thiếu so với sổ kế toán, phân tích rõ nguyên nhân thừa, thiếu và trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật;

c) Xây dựng phương án sử dụng nhà, đất sau khi chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là doanh nghiệp chuyển đổi) và phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở hoạt động sự nghiệp được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

3. Toàn bộ tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải chuyển đổi mô hình hoạt động đều được kiểm kê, xác định giá trị, trừ các tài sản sau đây:

a) Tài sản đơn vị thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân khác và các tài sản khác không phải của đơn vị;

b) Tài sản không cần dùng, tài sản tồn đọng, tài sản chờ thanh lý;

c) Cơ sở nhà, đất không được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc kiểm kê, phân loại tài sản, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức xử lý tài sản thừa, thiếu phát hiện qua kiểm kê và một số loại tài sản không xác định giá trị để giao cho doanh nghiệp chuyển đổi quản lý như sau:

a) Đối với tài sản thừa, thiếu, phải phân tích làm rõ nguyên nhân và xử lý như sau:

- Đối với tài sản thiếu phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường vật chất theo quy định hiện hành. Trường hợp tài sản thiếu được xác định do nguyên nhân khách quan (thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng khác), đơn vị báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Nghị định này quyết định ghi giảm tài sản theo quy định của pháp luật. Số tiền bồi thường cho tài sản thiếu phát hiện qua kiểm kê (nếu có) được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Đối với tài sản thừa, nếu không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu thì ghi tăng tài sản và đưa vào phần tài sản xác định giá trị để giao cho doanh nghiệp chuyển đổi quản lý;

b) Đối với tài sản không cần dùng, tài sản tồn đọng, tài sản chờ thanh lý, đơn vị có trách nhiệm xử lý theo quy định hiện hành. Trường hợp đến thời điểm chuyển đổi mà chưa xử lý thì đơn vị có trách nhiệm tiếp tục bảo quản và báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này quyết định xử lý và giao nhiệm vụ tổ chức xử lý;

c) Đối với tài sản đơn vị thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân khác và các tài sản khác không phải của đơn vị, đơn vị bàn giao cho doanh nghiệp chuyển đổi tiếp tục quản lý, sử dụng hoặc xử lý theo hình thức khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

d) Đối với phần diện tích nhà, đất không được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng mà chưa hoàn thành việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ xử lý cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

đ) Đối với tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ dự án, đơn vị bàn giao cho doanh nghiệp chuyển đổi tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy định tại Mục 1 Chương VI của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Chương IX Nghị định này. Sau khi dự án kết thúc và có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền, doanh nghiệp chuyển đổi tổ chức xử lý tài sản theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

e) Đối với tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng, đơn vị bàn giao cho doanh nghiệp chuyển đổi để thực hiện hạch toán nguyên giá tạm tính theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Khi được bàn giao cho doanh nghiệp chuyển đổi đưa vào sử dụng thì thực hiện xác định giá trị để giao cho doanh nghiệp chuyển đổi;

g) Đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tài sản kết cấu hạ tầng không thực hiện giao vốn cho doanh nghiệp, đơn vị bàn giao cho doanh nghiệp chuyển đổi tiếp tục quản lý hoặc xử lý theo hình thức khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

5. Việc xác định giá trị tài sản công được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Đối với tài sản công là quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;

b) Đối với tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định giá trị thương hiệu được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan;

c) Đối với các tài sản công khác, giá trị của tài sản được xác định trên cơ sở nguyên giá phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ tương đương nhân (x) với tỷ lệ chất lượng còn lại tại thời điểm xác định giá trị, nhưng không thấp hơn 20% giá trị tài sản mua mới.

6. Giá trị tài sản công được giao cho doanh nghiệp chuyển đổi quản lý được tính vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển đổi.

7. Doanh nghiệp chuyển đổi có quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý, sử dụng tài sản được giao theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Các tài sản công tiếp tục giao doanh nghiệp chuyển đổi quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 99 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 87, Điều 88 Nghị định này và pháp luật có liên quan.

8. Doanh nghiệp chuyển đổi được sử dụng tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức sản xuất, kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập đã bàn giao và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.