vi-VNen-US
Tạo tài khoản

Thông tin: Điều 67

Ngày ban hành: 26/11/2014
Ngày hiệu lực: 01/07/2015
Ngày hết hiệu lực toàn bộ: 01/01/2021
 
Ngày hết hiệu lực một phần lần 1:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 2:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 3:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 4:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 5:
 
 

Điều luật đang xem xét:

Điều 67. Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư

1. Ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.

3. Tổng hợp tình hình đầu tư, đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế vĩ mô của hoạt động đầu tư.

4. Xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

5. Cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật này.

6. Quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

7. Tổ chức và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư.

8. Kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư; quản lý và phối hợp quản lý hoạt động đầu tư.

9. Hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, yêu cầu của nhà đầu tư trong thực hiện hoạt động đầu tư; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư.

10. Đàm phán, ký kết điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư.

Mục lục
 
Điều luật
 

Điều luật hướng dẫn, quy định chi tiết(4)

 
Nội dung quy định tại khoản 7 Điều 67 này được hướng dẫn bởi  Mục 1 Chương V Nghị định  118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015:
Điều 49. Nguyên tắc quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư

1. Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện theo những nguyên tắc sau:

a) Hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được xây dựng, tập hợp thành chương trình xúc tiến đầu tư, sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Khuyến khích các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng thu hút đầu tư từng giai đoạn; các hoạt động xúc tiến đầu tư khác phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá cụ thể về nhu cầu đầu tư, phân tích số liệu, thông tin cập nhật và có giá trị thực tiễn;

c) Chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các dự án đầu tư đã thực hiện thông qua việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án hiệu quả;

d) Khuyến khích kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư với hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và chương trình tuyên truyền đối ngoại, văn hóa;

đ) Khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, nội dung, cơ chế xây dựng, thực hiện và phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

Điều 50. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý thống nhất hoạt động xúc tiến đầu tư.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng định hướng, chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư; hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp, xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

b) Hướng dẫn thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động xúc tiến đầu tư;

c) Thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quy định tại Điểm a Khoản này;

d) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, quản lý và cử đại diện Việt Nam tại bộ phận xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;

đ) Tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác xúc tiến đầu tư;

e) Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về định mức sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch kinh phí xúc tiến đầu tư của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, Chương trình xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến đầu tư của bộ phận xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bố trí và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Ngoại giao:

a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư trong công tác đối ngoại;

b) Hỗ trợ và tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài đã được duyệt theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trường hợp phát sinh hoạt động xúc tiến đầu tư mới, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo và thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi thực hiện;

c) Chủ trì và hướng dẫn Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quản lý hoạt động của bộ phận xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập và biên chế của bộ phận xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;

đ) Trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quyết định bổ nhiệm chức vụ ngoại giao và cử cán bộ công tác tại bộ phận xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;

e) Bố trí cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động phù hợp cho bộ phận xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm và dài hạn; đề xuất hoạt động đưa vào Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

b) Thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo thẩm quyền;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

Điều 51. Kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư

1. Kinh phí thực hiện các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm.

2. Kinh phí xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Kinh phí xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ bố trí cho các hoạt động xúc tiến thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư đã được phê duyệt.