vi-VNen-US
Tạo tài khoản

Thông tin: Điều 17

Ngày ban hành: 25/06/2015
Ngày hiệu lực: 01/01/2017
Ngày hết hiệu lực toàn bộ:
 
Ngày hết hiệu lực một phần lần 1:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 2:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 3:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 4:
Ngày hết hiệu lực một phần lần 5:
 
 

Điều luật đang xem xét:

Điều 17. Kế hoạch tài chính 05 năm

1. Kế hoạch tài chính 05 năm là kế hoạch tài chính được lập trong thời hạn 05 năm cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm. Kế hoạch tài chính 05 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước; các định hướng lớn về tài chính, ngân sách nhà nước; số thu và cơ cấu thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên; định hướng về bội chi ngân sách; giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch.

2. Kế hoạch tài chính 05 năm được sử dụng để:

a) Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương; cân đối, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công và ngân sách nhà nước trong trung hạn; thúc đẩy việc công khai, minh bạch ngân sách nhà nước;

b) Làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước;

c) Định hướng cho công tác lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm.

3. Kế hoạch tài chính 05 năm gồm kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia và kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia trình Chính phủ báo cáo Quốc hội; Sở Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương mình trình Ủy ban nhân dân cùng cấp báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định cùng với thời điểm trình dự toán ngân sách năm đầu kỳ kế hoạch.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm.

Mục lục
 
Điều luật
 

Điều luật hướng dẫn, quy định chi tiết(7)

 
Điều 5. Đối tượng lập kế hoạch tài chính 05 năm

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương có liên quan lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 6. Căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm

1. Căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia:

a) Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước;

b) Mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước trong Chiến lược quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế;

c) Quy định của pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, bao gồm cả điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong thời gian 05 năm kế hoạch;

d) Dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian 05 năm kế hoạch;

đ) Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 05 năm.

2. Căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước của địa phương;

b) Mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước trong Chiến lược quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế; và những mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian 05 năm kế hoạch của địa phương; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt của địa phương;

c) Dự báo tình hình kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước của địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch;

d) Quy định của pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, bao gồm cả cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong thời gian 05 năm kế hoạch;

đ) Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 05 năm.

Điều 7. Yêu cầu lập kế hoạch tài chính 05 năm

1. Phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế; mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 05 năm kế hoạch của cả nước, địa phương.

2. Phù hợp với dự báo tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, huy động và trả nợ và các yêu cầu giới hạn an toàn tài chính quốc gia trong thời gian 05 năm kế hoạch; phù hợp với các nguyên tắc cân đối, quản lý, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, nguyên tắc quản lý an toàn nợ công.

3. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ cụ thể.

4. Công khai, minh bạch, hiệu quả.

Điều 8. Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm

1. Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia:

a) Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước, những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm;

b) Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm;

c) Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước, gồm: Thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách nhà nước; nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực, cơ cấu ngân sách nhà nước trong thời gian 05 năm kế hoạch;

d) Xác định khung cân đối ngân sách nhà nước, bao gồm:

Tổng thu ngân sách nhà nước (số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng sản phẩm trong nước - GDP), chi tiết cơ cấu thu theo khu vực; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước;

Tổng chi ngân sách nhà nước (số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP), chi tiết theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, các khoản chi khác; các yếu tố tác động đến chi ngân sách nhà nước và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo cơ cấu chi hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước;

Cân đối ngân sách nhà nước: Bội chi hoặc bội thu ngân sách nhà nước (số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước; các giải pháp để đảm bảo an toàn, bền vững ngân sách nhà nước;

đ) Các chỉ tiêu về quản lý nợ, gồm: Các chỉ tiêu giới hạn về nợ; mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; tỷ lệ trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước; tổng mức huy động; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo an toàn, bền vững nợ công;

e) Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu quản lý về nợ;

f) Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.

2. Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch tài chính 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn trước, những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm;

b) Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm;

c) Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách của địa phương, gồm: thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách địa phương; nợ của ngân sách cấp tỉnh; huy động và phân phối các nguồn lực, cơ cấu ngân sách địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch;

d) Xác định khung cân đối ngân sách địa phương, bao gồm:

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và thu cân đối ngân sách địa phương, gồm tổng thu; số thu và cơ cấu theo thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm huy động nguồn thu ngân sách địa phương;

Chi ngân sách địa phương, gồm: Tổng chi; số chi và cơ cấu theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi; các yếu tố tác động đến chi ngân sách địa phương và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo cơ cấu chi hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương;

Cân đối ngân sách địa phương: Bội chi hoặc bội thu ngân sách địa phương; tổng mức vay của ngân sách địa phương, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương; các giải pháp để đảm bảo an toàn, bền vững ngân sách địa phương.

đ) Các chỉ tiêu về quản lý nợ của địa phương, gồm: Hạn mức vay, dư nợ vay của chính quyền địa phương; dự kiến vay, trả nợ; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo an toàn, bền vững nợ của chính quyền địa phương;

e) Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách địa phương và các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương;

f) Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 9. Trình tự lập kế hoạch tài chính 05 năm

1. Trình tự lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia:

a) Trước ngày 31 tháng 3 năm thứ tư của kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc lập kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn sau;

b) Trước ngày 31 tháng 12 năm thứ tư của kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 05 năm giai đoạn sau gửi Bộ Tài chính làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn sau;

c) Trước ngày 30 tháng 6 năm thứ năm của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, căn cứ báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn sau đã trình Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn sau trình Thủ tướng Chính phủ;

d) Trước ngày 20 tháng 9 năm thứ năm của kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước, căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hoàn chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn sau để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội;

đ) Trước ngày 20 tháng 10 năm thứ năm của kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước, căn cứ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính hoàn chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn sau báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội.

2. Trình tự lập kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Trước ngày 15 tháng 5 năm thứ tư của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, căn cứ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc lập kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn sau, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn sau;

b) Trước ngày 30 tháng 11 năm thứ tư của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn sau;

c) Trước ngày 31 tháng 12 năm thứ tư của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương đã hoàn chỉnh theo ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

d) Trước ngày 20 tháng 7 năm thứ năm của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với tài liệu về dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;

đ) Căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn sau báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định cùng thời điểm trình dự toán ngân sách năm đầu thời kỳ kế hoạch 05 năm giai đoạn sau;

e) Trước ngày 10 tháng 12 năm thứ 5 của kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước, căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn sau của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn sau.

Điều 10. Điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm

1. Đối với kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia:

a) Trường hợp mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm quốc gia thay đổi hoặc có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh khiến cân đối ngân sách nhà nước, khả năng huy động các nguồn vốn có đột biến lớn, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án điều chỉnh, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định cùng thời điểm trình dự toán ngân sách năm điều chỉnh kế hoạch;

b) Việc lập kế hoạch điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia (nếu có) thực hiện theo đúng trình tự và mốc thời gian đối với việc xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia;

2. Đối với kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Trường hợp mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của địa phương thay đổi hoặc có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh khiến cân đối ngân sách của địa phương, khả năng huy động các nguồn vốn có đột biến lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì xây dựng phương án điều chỉnh, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cho ý kiến, rồi gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cùng thời điểm trình dự toán ngân sách năm điều chỉnh kế hoạch;

b) Việc lập kế hoạch điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu có) theo đúng trình tự và mốc thời gian đối với việc xây dựng kế hoạch tài chính 05 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh chậm nhất 30 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong lập kế hoạch tài chính 05 năm

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ:

a) Ban hành Chỉ thị về việc lập kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn sau;

b) Chỉ đạo việc lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, việc điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia trong trường hợp cần thiết;

c) Tổ chức kiểm tra việc lập kế hoạch tài chính 05 năm của các địa phương.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc lập kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn sau;

b) Chủ trì lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định;

c) Chủ trì lập phương án điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này;

d) Tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về lập kế hoạch tài chính 05 năm hoặc điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 05 năm giai đoạn sau để làm căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan lập, điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia;

c) Tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về lập, điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan trung ương:

a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 05 năm giai đoạn sau của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.

b) Phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình lập, điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của địa phương 05 năm giai đoạn sau, gửi Sở Tài chính để làm căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Chỉ đạo các sở, ban, ngành và cơ quan chức năng khác ở địa phương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn sau trên địa bàn của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ lập, điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Cục Hải quan và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác ở địa phương lập, điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Nghị định này.